GIẢI PHÁP CĂNG SỮA SAU SINH CHO MẸ BỈM

February 04,2021

Căng sữa sau sinh là hiện tượng vú mẹ đầy sữa, mẹ sẽ cảm thấy bị sưng lên, cứng, nóng và đau gây ra tình trạng khó khăn trong quá trình cho bé bú. Đồng thời, căng sữa sau sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, tâm lý của mẹ mỗi khi cho con bú.

Dấu hiệu khi bị căng sữa sau sinh

Thông thường hiện tượng ngực bị căng tức sữa sau sinh xảy ra sau khi mẹ sinh em bé được 2 -15 ngày. Khi mẹ sờ vào ngực sẽ cảm thấy ngực lớn hơn, nặng hơn và hơi đau vì ngực bắt đầu tiết ra sữa chuyển tiếp nhiều hơn.

Tình trạng ngực bị căng tức thường sẽ giảm dần trong khoảng 2 - 3 tuần sau khi sinh, rồi sau đó mẹ sẽ thấy ngực mềm hơn cho dù sữa vẫn đang tiết rất nhiều. Nhưng nếu mẹ vẫn thấy ngực gặp tình trạng cứng, sưng, đau nhói và khó chịu kéo dài thì mẹ đã bị căng tức sữa. Chỗ sưng có thể là vùng dài tới cả nách kèm theo đó là dấu hiệu bị sốt nhẹ.

Khi vú bị cương sữa, bé có thể có vấn đề với việc trẻ ngậm kín miệng quanh núm vú và quầng vú. Song hành động này của bé lại giúp sữa ra ngoài và cải thiện sự ứ sữa bên trong vú. Nếu không, mẹ phải tìm đến phương pháp vắt sữa bằng tay hoặc máy hút sữa để kiệt sữa giữa các lần cho trẻ bú, việc làm này sẽ giúp cho vú mẹ mềm hơn mà không gây tiết ra quá nhiều sữa.

                                                                          Mẹ bỉm căng sữa sau khi sinh

Căng sữa sau sinh ảnh hưởng đến mẹ và bé

Ảnh hưởng tới bé: Khi ngực mẹ bị căng tức, dịch xung quanh tuyến sữa tụ lại và tuyến sữa bắt đầu sưng lên, điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến bé. Bầu vú của người mẹ cứng dần lên tạo thành những u cứng gây khó khăn cho việc con bú, không ngậm vú được lâu và sâu.

Ảnh hưởng tới mẹ: Căng tức sau sinh ngoài việc gây ra cho mẹ những cơn đau còn dẫn tới việc mất sữa do tuyến sữa không còn hoạt động, núm vú mẹ có thể bị đau và tiết sữa ít. Ngoài ra, ngực căng sữa có thể dẫn tới một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm tuyến vú cho mẹ và gây khó khăn trong việc cho em bé bú là điều không thể tránh khỏi.

Nguyên nhân và giải pháp căng sữa sau sinh

Cho bé bú không đúng cách

Trong những ngày đầu sau khi sinh, mẹ có thể bị căng sữa nếu không cho bé bú mẹ thường xuyên hoặc bé không bú đủ để làm cạn bầu sữa.

Các mẹ nên cho con bú đều đặn 2-3 giờ/ lần, hoặc cho con bú theo nhu cầu của bé từ ngay sau khi sinh để ngăn ngừa cương tức sữa. Mẹ cố gắng cho bé bú 10-12 lần/ ngày, trong đêm không nên để quá 3 giờ. Mẹ nên cho bé bú ít nhất 15 phút ở một bên vú trước khi chuyển sang vú bên kia. Thỉnh thoảng mẹ nên thay đổi tư thế cho bé bú để tăng khả năng tiết sữa. Những điều này sẽ giúp mẹ giảm căng sữa sau sinh.

Nếu bé bú không hết cả hai vú và vẫn không thể giúp mẹ giảm bớt hiện tượng căng sữa, hãy dùng máy hút sữa. Nếu không, ngực sản xuất nhiều hơn lượng sữa mà bé cần và khi đó bé sẽ không có khả năng uống hết sữa, vú của mẹ sẽ còn căng hơn.

                                 Mẹ vừa cho bé bú vừa hút sữa tránh tình trạng căng sữa

Ống dẫn sữa bị tắc

Nguyên nhân gây tắc tia sữa là do sữa mẹ còn thừa ở trong bầu ngực do em bé không bú hết hoặc bạn không hút phần sữa thừa sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa còn đọng lại, gây ra tắc nghẽn.

Giải pháp cho vấn đề này rất đơn giản, mẹ chỉ cần dùng máy hút sữa lấy hết lượng sữa ra ngoài. Trước khi hút sữa, mẹ nên sử dụng chế độ massage của máy để xoa dịu bầu ngực của mẹ giúp mẹ xoa dịu bầu ngực và thoải mái khi hút.

Phương pháp chườm lạnh truyền thống

Mẹ có thể sử dụng phương pháp chườm lạnh để xoa dịu cơn đau và giúp giảm sưng, mẹ dùng khăn lạnh đắp lên ngực khoảng 10 phút trước và sau khi cho trẻ bú.  Hãy chườm nước đá sau khi cho bé bú để làm giảm tình trạng căng sữa.

Ngoài ra mẹ cũng có thể lấy lá bắp cải ướp lạnh giúp giảm sưng đáng ngạc nhiên. Mẹ dùng lá bắp cải to, rửa sạch, lau khô và khoét một lỗ ở trung tâm lá cho mỗi núm vú. Hoặc bạn có thể sử dụng áo ngực được thiết kế với chức năng làm mát đặc biệt.

                                            Bắp cải ướp lạnh giảm đau khi mẹ căng sữa

Phòng ngừa bị căng sữa sau sinh cho mẹ

Mẹ có thể áp dụng một số cách sau để làm giảm nguy cơ mắc phải vấn đề căng sữa sau sinh:

- Cho trẻ bú sớm trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau khi sinh.

- Cho trẻ bú thường xuyên, từ 8 -12 lần/ngày trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên. Cứ mỗi 3 tiếng, mẹ hãy đánh thức trẻ dậy để bú sữa nếu trẻ ngủ.

- Cho trẻ bú xong một bên ngực trước khi chuyển sang ngực còn lại. Trẻ thường bú từ 15 – 20 phút.

- Trường hợp trẻ phải bú bình thì hãy dùng máy hút sữa vào bình, tốt hơn là dùng sữa công thức.

- Nếu trẻ bỏ bữa hoặc trẻ không bú tốt, mẹ hãy dùng máy hút sữa ra để trữ lại.

 

Ngực của mẹ sẽ lớn dần trong suốt thời gian mang thai và cả tuần đầu tiên sau sinh. Căng sữa sẽ khiến việc cho con bú trở nên vô cùng khó khăn vì vậy mẹ nên tìm hiểu kỹ về hiện tượng này cũng như biện pháp khắc phục để con yêu có thể thoải mái lớn lên trong vòng tay mẹ nhé.