TRẺ SƠ SINH TIÊU HÓA SỮA TRONG BAO LÂU?

March 29,2023

 Đường ruột của trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu hoàn toàn không có sự tồn tại của các loại vi khuẩn. Bắt đầu từ ngày thứ 3 sau sinh, các chủng vi khuẩn đường ruột mới bắt đầu sinh sôi, phát triển mạnh mẽ. Ở trẻ sơ sinh bú mẹ, các chủng vi khuẩn đường ruột có lợi như Bifidus, B. lactis aerogenes, B. acidophilus thường chiếm ưu thế hơn vì sữa mẹ có nhiều beta lactose và yếu tố Bifidus, tốt cho sự phát triển của các chủng khuẩn trên và đồng thời ức chế vi khuẩn E Coli. Ngược lại, sữa bò có chứa nhiều alpha lactose lại tốt cho sự phát triển của vi khuẩn E coli.

Sữa mẹ mang đến dưỡng chất tốt nhất cho trẻ sơ sinh

Các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột đóng vai trò rất quan trọng khi tiêu hóa thức ăn, chúng tham gia tổng hợp một số vitamin (như vitamin B, K), tiêu hóa các chất khác như đạm, mỡ, đường. Do đó, tình trạng loạn khuẩn đường ruột sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn ở trẻ.

Nhìn chung, hệ thống tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn chưa phát triển đầy đủ hoàn toàn. Tuy nhiên, thời gian tiêu hóa sữa mẹ chắc chắn sẽ nhanh hơn, khả năng dung nạp cao hơn so với sữa bò hay sữa công thức. Nguyên nhân vì sữa mẹ vừa giàu dinh dưỡng, vừa chứa nhiều yếu tố bảo vệ cơ thế bé, mức độ phù hợp với bộ máy tiêu hóa còn non yếu cao hơn và do đó trẻ bú sữa mẹ ít gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa và đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Trẻ sơ sinh tiêu hóa sữa mẹ từ 2 - 2h30p

Thời gian tiêu hóa sữa mẹ phụ thuộc vào thời gian sữa còn ở dạ dày trẻ. Ở điều kiện bình thường, có khoảng 25% lượng sữa hấp thụ trực tiếp ở dạ dày, thời gian tiêu hóa sữa mẹ ở dạ dày là khoảng 2 đến 2 tiếng 30 phút, trong khi thời gian tiêu hóa sữa bò tại dạ dày lên đến 3 - 4 tiếng.

Sau đó, có khoảng một nửa lượng sữa di chuyển xuống ruột non để tiêu hóa trong thời gian khoảng 45 phút, đây mới là giai đoạn chính để hấp thu các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Trong khi đó, đối với sữa công thức thời gian để làm những công việc tương tự lên đến 80 phút do lượng chất cặn bã (không hấp thụ được) nhiều hơn, mức độ kết tủa của sữa cao hơn và thành phần casein (một loại protein có trong sữa) cũng khó tiêu hơn.